GIAO THỪA

Cung Tích Biền

Artwork by Anastassia Tretiakova

Đâu đó đã loang loáng cái lưỡi kiếm ánh sáng mùa xuân: trên sinh thế, giữa cỏ hoa, trong không trung còn đậm đục cái lạnh của tàn đông. Lâu lắm tôi mới trở lại chốn này: công viên Cây Đa, nên chẳng còn nhận ra cái bản lai diện mục của nó thuở hỗn mang.

Bây giờ, nơi đây đã có quán cà phê lộ thiên, với đó đây trên những thảm cỏ mịn màng là những chiếc ghế đệm, những chiếc dù màu sặc sỡ, người hầu bàn thanh lịch. Đêm qua, nghe rằng trên cái sân khấu đèn màu - nơi bãi cỏ trước kia mỗi sớm mai các cô gái giang hồ ngồi mở áo bắt rận, hoặc bọn chôm chỉa hè nhau chia tiền cướp giật - có một ca sĩ đứng hát dân ca. Thôi, hãy ngồi xuống đây bạn, chiều cuối năm rồi. Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện đã xảy trên công viên này cách nay bảy tám năm, chuyện cô Nạn.

Gặp một cô gái kém nhan sắc người ta thường ví von: “Cô ấy có một vẻ đẹp ngang với một người đàn ông xấu trai.” Lời mỉa mai ấy chưa đúng, còn nhẹ, so với sự xấu xí đáng tội nghiệp, gần như tàn tật của Nạn. Ai đó đã đặt tên cho em là Nạn? Sao không là Hồng, là Nhạn, là Thanh hay Mộng Điệp? Người đặt tên cho em sợ làm hoen đi một chút thanh bạch của ngôn từ chăng!

Nạn có một mớ tóc trên cái đầu nửa trọc, thưa vàng, mắt lé, môi thâm, tay cán vá, chân đi cà niễng, màu da tái chen lẫn những vết cháy chỗ trắng chỗ nám. Có người rộng lòng nghĩ rằng trong cái hình hữu thể đó có thể ẩn tàng một trí tuệ thông mẫn, rằng đấng cao cả đã kín đáo ban cho em một vẻ đẹp tinh thần. Không phải vậy. Có thể là cái xấu vẫn thường trực, trêu ngươi, nên Nạn vào đời trong một hoàn cảnh đáng thương nhất, bị rủi ro đến không còn gì có thể rủi ro hơn.

Năm Nạn lên hai, một buổi sáng, trong bầu trời an lành của quê nhà có ba chiếc máy bay bay tới, đảo vài vòng, rồi ném chơi một loạt bom. Làng cháy. Cây cỏ cháy. Gạch đá một phen rêm mình. Cha mẹ em ngoài đồng ruộng nhìn theo hướng cháy, chạy về. Ông bà nội đã chết, Nạn mất tích. Tưởng rằng con gái mình đã chết dưới căn nhả than lửa, cha mẹ Nạn than khóc, thỉnh thoảng đưa mũi ngửi trong hơi trời tìm mùi da thịt của con. Nào ngờ, trong cơn nước mắt, lúc xế trưa, có người tìm thấy Nạn nằm xỉu giữa một bụi tre, tro than chung quanh còn hâm hấp. Nạn được cứu sống nhưng hình hài em biểu trưng thêm một ý nghĩa khác: sự sống được đốt cháy ngay trên da thịt người.

Em lên ba, cha chết. Chiến tranh lan rộng. Chiều chiều, đêm đêm tiếng nổ xé trời. Người người bỏ làng quê vào phố thị. Trai tráng bỏ biển tìm rừng. Anh xã trưởng mon men đến ve vãn mẹ em. Hắn bảo rằng có hai người ôm nhau ngủ sẽ bớt sợ chết hơn một người co ro quạnh quẽ. Người quả phụ sợ hãi, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, tạm biệt bờ sông giếng nước, kẹp nách con, leo lên con tàu than khói xuôi vào Nam.

Thuở ấy, Sàigòn giàu sang phù hoa, nhưng cũng là một cái túi đầy ma quỉ, ám khói; một trần gian xa xỉ, u mê. Mẹ con Nạn bơ vơ giữa phố thị vì không người bà con, có chút vốn liếng ăn lần hồi cũng hết, nghề gặt lúa hái rau chẳng ai cần. Vậy thì ăn xin, làm đĩ, ở đợ. Người đàn bà khốn khổ đi gõ cửa khắp nơi. Sau cùng được một người đàn ông giúp đỡ.

“Tôi giúp cô có nghĩa là cô sẽ ngủ với tôi đó. Cô hãy còn rất trẻ và đẹp.”

“Nếu tôi ngủ với anh thì anh phải cưới tôi. Hoàn cảnh khó khăn quá, tôi đành mang tội với chồng tôi bước thêm một bước nữa mà thôi.”

“Được lắm. Đạo nghĩa làm vậy thằng chồng cũ của em cũng mát lòng nơi chín suối.”

Anh chồng thứ hai, Bảy Rô, làm nghề khuân vác, có tác người to khỏe, tướng mạo cục mịch, ăn nói lỗ mãng, làm việc cần mẫn, lại nhậu nhẹt ra trò. Trong anh ta có một con thú ẩn mình. Họ sống với nhau được gần hai năm thì câu chuyện đau lòng xảy ra. Một đêm rất khuya, Bảy Rô trở lại nhà, người đã say khướt. Rô tìm cớ gây sự, bèn hỏi vợ:

- Này con Méng? Tại sao mỗi lần tao uống rượu về mày cứ cằn nhằn? Tại sao cấm cái
 “nam vô tửu như kỳ vô phong” hả mậy?

- Tôi van anh. Anh đi ngủ đi.

- Lại dạy đời. Lại chỉ đạo hả mậy. Tiền tao tao uống chớ. Mửng chi mà tức tối con đĩ ngựa.

Người đàn bà cúi mặt lặng thinh, chán nản và buồn tủi. Số phận lâu nay đưa đẩy bà tới chỗ phó mặc cho hoàn cảnh, biết run sợ nhưng bất lực, biết lo lắng nhưng không phương cách đối phó với tình huống. Bà lặng lẽ chết từ từ trong môi trường sống như con cua bò rệu rạo, thảm thương trong cái chảo nóng của bọn nhậu trên bếp lò.

Thấy vợ yên lặng, Bảy Rô điên tiết, quát:

- Sao cấm tao uống rượu hỡi con người thơm tho kia.

Nói xong hắn vớ cái gạt tàn thuốc lá tổ bự bằng sứ ném vào mặt vợ. Người xỉn thường có cái nhìn khá hoàn chỉnh: một hóa hai. Chính hắn đã định thần, nhìn vợ, ném, cười lớn đầy vẻ ngạo mạn, nhưng cái gạt tàn lại đi thẳng tới bờ tường, nơi có chiếc bóng của người vợ, vỡ toang.

Hắn xiêu vẹo bước ra hiên nhà, tự tán dương mình: “Chết mẹ mày con đĩ ngựa. Mửng đó thiếu chi.”

Trong đêm thanh vắng hắn tìm tới quán rượu, ở đó hắn sẽ gục mặt trên cái bãi tâm linh rách nát, bừa phứa những vết sẹo đời. Hắn im vắng để con thú man dã, ngu dốt, qua một quá trình người bước ra. Con thú không phải ăn những đọt cỏ non, không chỉ săn mồi, đâu phải vậy, chính nó tự cắn mình, liếm máu và gặm xương mình. Con thú ấy thấy mình trôi giạt lênh đênh trong thiên nhiên từ nghìn năm, bằng một thứ nội cảm vô thức, và tràn ngập những giấc ngủ mê ngay khi đôi mắt mở lớn.

Thoát chết vì nguời chồng say đêm hôm trước, sáng hôm sau người phụ nữ đáng thương đó bị chết vì một tai nạn. Không hiểu vì buồn tủi, hay vì lý do nào đó bà ta đã đạp xe vào ngay dưới gầm chiếc xe mười bánh. Thuở ấy Nạn còn nhỏ, không biết nỗi đau mất mẹ, sẽ lạc loài. Nạn sống quanh quẩn, tội nghiệp, thiếu ăn, thiếu mặc, cho tới ngày Bảy Rô đuổi đánh em đi.

Nói cho đúng, hắn có cho Nạn một ít tiền, một mớ áo quần cũ tộng vào chiếc giỏ xách. Hắn có khoan dung xách ngược cái vành tai Nạn lên mà phán: “Cút đi. Cút cha mày đi cái thây ma. Đã nhất khứ thì bất phục hoàn nghe con. Từ đây công viên là quê hương của mày, tới đó mà ăn nằm ngủ ngáy tự do.”



*

Một cô gái lên mười chẳng thể hiểu những điều gì sẽ chờ đợi cô nơi cái chảo đời sôi bỏng. Nạn lang thang hết đường này tới phố nọ. Cũng may, nhờ tạo hóa đúc cho em một thứ trí não trì độn, khó hòa tan như kim cương, nên em cười vui, tung tăng vô tri như nai như vượn, trơ lì ngay với sự đói lạnh khổ đau. Em như một phần hồn thoát xác, chẳng còn biết hệ lụy cuộc đời. Sự xót xa, niềm tủi nhục như ở ngoài em. Em đi về giữa phố thị như con bê tung tăng trên đồi cỏ, như chiếc bóng quay tròn không lối thoát của chiếc lồng đèn kéo quân. Nói gọn, Nạn như một vị thánh, không đòi hỏi chi nơi thế gian.

 “Hãy tới công viên mà ở. Thế giới đại đồng của mày đấy.” Nạn chỉ nhớ rằng dượng Rô có nói như vậy. Và em ngây thơ nghĩ rằng ngoài cái vũng lầy giữa đô thị này chẳng còn nơi nào có thể dung thân khác dành cho em.

Công viên này từ chối, thải em ra, em tìm bãi cỏ khác, cố hòa nhập. Nơi đấy đã hình thành những bãi người. Lửa đầu hôm nhóm lên cho những bữa ăn muộn màng nơi bờ muơng, gốc cây, vỉa hè, lối mòn gạch vụn vỡ. Màu trời có thể màu chì hay mầu hồng, thời tiết có thể nắng hay mưa; họ có thể ôm nhau ngủ bất cứ lúc nào muốn, sớm mai lại ra chỗ vòi nước công cộng rửa mồm kỳ cọ, chen lẫn chửi bới.

Một ngày mới, đi làm tương lai. Những bụng ỏng hoang trống lại tản mác ra đi, có thể tới cửa hàng, tới bến xe, cầu tàu, bọn nhóc có thể chúi đầu vào một hố rác đâu đó đã bốc mùi, với cái cây cần có móc câu, hay bằng đôi tay cú vọ, chúng vạch khoét được những món thiu chua ẩm mốc mà đời đã thải ra, mang về tái sản xuất, tái kiến tạo, mà ăn, hoặc bán cho lò ve chai. Bụi đời. Cũng có thể có bọn người chui bò trong ống cống mương rãnh lúc bình minh dưới lòng thành phố, mò mẫm trong lầy lội những vật chưa trôi ra cửa sông; có đứa đã ngộp thở, đã chết, nếu không trồi kịp lên mặt đất lúc triều lên, nước ngập một số ống cống cửa sông.

Nhưng có ai cấm loại người khốn khổ ấy mơ ước một ngày đẹp trời vớ được món hời như khoen vàng hay thỏi bạc, có đứa mò được cả áo giáp, lựu đạn, súng sáu, la bàn. Đất nước đã hòa bình nhưng con người vẫn cần những thứ giết người ấy chứ!

Lại bọn người khác trong bãi sinh vật xanh xao rất rành chôm giựt hoặc mánh mung lẫn nhau. Có đứa sớm mai vào tù, đứa ra tù chiều nay. Nhiều cô gái đứng đuờng để nuôi thằng vô lại trong nhà lao. Có đứa tay trong còng số tám vẫn cười khinh đời, hẹn mai sau thoát thân trở lại chốn giang hồ trả thù đời, lăm le cứa cổ đồng loại  .… Nói chung, giữa phố thị muôn màu hãy còn kiếp sống không màu, giữa bình minh hãy còn nhung nhúc những thân phận bùn đen.

Nạn đã sống tháng ngày với bọn người xà bần ấy, có điều em thấy khó hòa đồng. Họ là một đám rác rưởi bập bềnh, xa xa trông liền lạc, vậy mà cái nào riêng rẽ cái ấy trong tha hồ trôi nổi. Nạn không thích ứng với điều tráo trở, du côn, chưa quen máu, làm sao đủ cái độ khinh bạc của nột lũ người bị đời cướp đi cái đời. Mỗi công viên từ lâu đã thành một lãnh địa, thế giới riêng của bọn đầu trộm đuôi cướp, lừa lọc, hung hiểm. Nó tự cô lập, đối kháng với thế giới lương thiện chung quanh, nếu ta muốn dùng cái từ lương thiện.

Cuối cùng, cuộc đời cũng đưa Nạn tới đây, và ở lại đây. Công viên Cây Đa thuở ấy được xem là một cõi man dã, huyền hoặc. Cây đa có hơn trăm tuổi tỏa bóng kín cả một khu đất rộng lớn có bốn bề dinh thự. Một rừng rễ màu nâu, trùng điệp; buông từ cành lá, từ cao xuống mặt đất, như một bộ râu của gã phù thủy, mỗi lần gió qua, đã dào dạt trong không trung những âm vang kỳ bí. Chỉ một cây đa, nhưng nó là rừng. Chỉ một gốc nhưng nó là một căn nhà to lớn có nhiều phòng kín đáo, được ngăn cách với nhau; và với bên ngoài, bằng những tấm vách rễ đan. Bọn gái đứng đường mang khách vào đó ngay cả ban ngày; bọn cướp xe mang xe vào xẻ thịt; có lần một xác người bị thanh toán treo tòng teng trong đó suốt mấy ngày mới được khám phá do mùi thối. Ấy vậy mà công viên này nằm ngay trên một khu đất mênh mông, đối diện cái dinh thự một thời mang tên Dinh Gia Long. Ngày xưa binh lính đã từng qua đây mai phục, làm những cuộc binh biến, vụ việc mà lịch sử không thể nào không ghi nhớ lại.

Nồi nào úp vung nấy. Xấu xí như em mà có đứa dòm ngó, muốn đè ra hãm hiếp. Tình cảm bọn du côn chẳng cần ngôn ngữ văn học, chẳng cần nghệ thuật, âm nhạc. Cứ xấu tới, đè bóp, sờ mó, nếu thuận lòng thì xáp trận như đôi thú trên rừng mà thôi. Có một lần, giữa trưa, nắng hột gà soi lỗ đỗ xuống nền đất ẩm nhiều lá khô, trong hốc đa kín đáo, một bọn nhóc đè em ra xem rằng: “ ngoài xấu nhưng trong có tốt mã hay không.” Lúc đó lão Mùi chợt thấy, bèn tả xung hữu đột đập cho chúng một trận. Nạn được giải thoát.



*

Lão Mùi là trùm anh chị một thời nơi đây. Thằng Ba Búa, con Tám Lộn cũng nể mặt, sau khi đã từng cầm dao búa tới hăm dọa xin tí huyết lão. Mùi có một tung tích khá bí mật. Không hiểu lão đã từng vào tù ra khám, đã từng giết người nơi nào, nhưng ở đây lão tỏ ra là một người lương thiện, lành mạnh. Lão ra tay binh vực Nạn và nuôi dưỡng, dạy dỗ cô gái khốn khổ này như con mình.

Lão đi làm bất cứ công việc gì - làm thuê, vác mướn, bảo vệ nhà hàng, giữ xe - cứ khoảng bốn giờ chiểu trở về, lão có thức ăn cho Nạn, tuy giới hạn. Xong, lão treo chiếc võng ni lông lên hai đầu nhánh cây, nằm đọc báo, hát vọng cổ, nhâm nhi xị rượu, hoặc có khi lão đánh một giấc ngủ thanh bình.

Hôm ấy, hai muơi tám tết. Lão Mùi thấy nao nao trong lòng, trời đất im vắng lạ thường, cỏ hoa tẻ lạnh, lão chợt nhớ vợ con, nhớ vườn rau luống cải, nhớ đồi sim, mộ đá. Lại túng thiếu nữa, lão buồn muốn chết được. Mỗi lần tết nhứt là một sự khốn nạn, một mối thù đối với bọn nghèo khổ đói lạnh. Buổi trưa cần thêm tiền lão cuốn cái võng ni lông mang ra chợ bán. Sau đó lão mua một ít thức ăn, bánh trái, nén nhang, một chai rượu, và không quên mua cho Nạn một cái … quần. “Tội nghiệp, tết nhứt không thể để ông bà ông vải nó thấy nó ở truồng.”

Một vài tiếng pháo đì đùng bữa cúng tất niên đã nổ vang đâu đó. Lão Mùi nhìn Nạn đang ngồi sưởi nắng mà nói:

- Lão già tặng cho con một cái quần. Quần mới đó nghe. Tội thân mày, tết với nhứt!

Nạn đang ngơ ngác, lặng ngắm, không biết cảm ơn, chẳng hề từ chối. Đầu óc mê mê, đục đục như chén nước hồ, em cười, rồi lại trời đất sai khiến em rưng rưng nước mắt.

- Chui vào trong hốc cây mà thay mới đi con.

Nạn với chiếc quần nội địa, nhưng so ra vẫn óng mượt hơn da dẻ của em. Bước qua căn phòng ngăn vách bằng thân rễ đa, em cởi cái quần rách nát vất đi, mặc quần mới, lần đầu tiên biết vuốt ve lên đùi cẳng mình. Gió tàn đông lay động rễ đa. Biến những vệt nắng quàng xiên nhảy múa óng ánh, cắt chiếc bóng của em thành nhiều mảnh. Nắng cắt phận người. Và những hoa văn ánh sáng bỗng trở nên hoang đường, lạnh lẽo. Em cười trong bóng lá, mơ hồ rằng có đổi đời.

Buổi trưa ba muơi tết, lão Mùi gọi Nạn mà dặn dò:

- Cháu ạ, mày đã khôn lớn rồi. Còn mấy tiếng đồng hồ nữa là sang năm mới. Dù gì cũng phải mừng Xuân đón Tết, mong năm tới gặp may mắn, bớt phần ở đợ hay chăng. Nhưng trước hết phải nhớ tiên linh. Không có ông bà ông vải làm sao có cái bản mặt của mày trên cõi đời. Vậy nên giao thừa này lão cúng rước ông bà của lão nơi cái gốc đa này. Ông bà không giúp được con cháu giàu sang thì ông bà cũng phải biết nên giản dị, nên thông cảm cảnh bị gậy của con cháu. Nhân thế lão sẽ cúng ông bà cháu luôn. Liên hoan tập thể. Vậy có đi đâu thì sắp giao thừa nhớ về lạy ông bà nghe con.



*

Theo thói quen, mỗi xế chiều, khi bóng đa đổ dài qua mặt đại lộ, em tới khu nhà thờ cổ xưa đứng nhìn mông lung, rồi từ đó đi thơ thẩn ra bờ sông, ngồi.

Bây giờ, trong công viên cái hoạt cảnh cuối năm có ê chề một chút. Gái giang hồ bị ế ẩm. Trong hương mùa xuân tới, trên băng ghế đá, hai đứa con gái, một chửa hoang, một bệnh họan, ngồi sưởi nắng, “bổ sung” tình cảm cho nhau. Chúng trật áo bắt rận, mò đầu nhau truy lùng chí. Được con nào chúng cho vào mồm cắn bụp con đó.

Có mùi hương đưa lại từ dãy phố giàu có bên kia, một cô gái áo quần xinh đẹp, đứng ở ban công nhìn màu trời pha hồng. Từng đoàn thanh niên nam nữ, phóng xe cúp cười vui trên đường hạnh phúc. Chỗ bồn hoa, gần cái vòi nước công cộng, lão Cường què, áo quần tơi tả, đang rượt đánh cô vợ; lão vung cây gậy trong không như dọa dẫm anh trời già. Mụ Cường vừa chửi trả vừa chạy trối chết. Chính nghĩa ở phía lão Cường, bởi vì mụ xoay chưa ra tiền mua cho lão một chai rượu đế, vào chiều tất niên.

Nạn ngồi ở bờ sông một lúc, rồi trở lại cuộc lang thang. Có một ngọn đèn hay một tiếng nổ nhỏ nhoi nào đó làm phá vỡ cái tâm cảm mù mù nơi em: sao mà sương ướt ở khóe mắt, gíó lành lạnh trong lồng ngực. Con chim trời cũng rưng rức nhận ra rằng trời đất đang đầu thai một mùa mới. Tất cả rất gần gũi mà xa vắng. Rất là thực trong cõi mơ hồ. “Tôi đã nợ lão Mùi. Tôi bị gạt gẫm ngay trong cõi tiền định u mê. Em ở trong xã-hội-người mà không trong-nhân-giới. Em là cái khả thể, là cội nguồn mở ngõ: mọi thống khổ nhục nhằn tràn vào ẩn náu, gây mầm khổ lụy. Nhưng Em đóng cửa trước tội lỗi. Tôi không hề là Nó.” Không gian chiều cuối năm có mầu tím thẫm, như một tờ giấy thấm, đậm đầy dấu vết buồn vui còn mất của một năm sắp qua.

Bên này bờ sông có một đám người bu quanh một gã mãi võ sơn đông kiếm tiền độ nhật. Gã đang đè cái lưỡi dao lên khuôn ngực ốm o của mình để một thằng nhỏ vác búa đập vào. Chỗ bến đò ngang mọi người hối hả, lũ kiến nhỏ nhoi trong một môi sinh vất vả mồ hôi và máu. Một thằng bé chết trôi dược vớt lên, đặt dưới chân tượng vị anh hùng tay cầm đốc kiếm. Thân tượng màu đồng đen. Trong một chiều đen. Nắng đã tàn nơi những bờ tường rêu ẩm. Gió bị chận lại bởi những cao ốc. Người ta vẽ những cành mai vàng, những phong pháo to tướng nơi các cửa kính các nhà hàng. Người ta vơ vét vội vã chút thời gian của một năm sắp lìa đời. “Tôi đi ăn xin…”

Lâu nay Nạn có đi ăn xin, nhưng thất nghiệp ngay trong nghề xin ăn. Đạo đời tàn nhẫn. Người ta yêu cái đẹp, xót xa cái tan vỡ, nhưng ghê tởm, xa lánh cái xấu. Mà Nạn, nhìn chung em có tàn tật hẳn đâu mà gợi lòng thương. Em không mù, chỉ lé. Không què cụt, chỉ cà niễng vòng kiềng. Da đen vẫn đẹp, em lại trổ đồi mồi. Em, của nhân-gian-hôm-nay là đứa con khả ái của đấng tạo hóa, lúc ngài nửa tỉnh nửa mê. Nhưng em nhớ mang máng lời lão Mùi dặn dò: “Phải trở về đón giao thừa đêm nay”

Bây giờ em đứng trước một cửa hàng ăn sang trọng, trong lòng tay có vài  tờ bạc lẻ nhàu nát, rịn ướt mồ hôi. Em dán mặt vào cửa kính, nhìn bên trong qua bóng mờ. Ở đó la liệt trên các chiếc bàn thừa thãi là món ăn thức uống. Ở đó người ta bàn bạc đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, tư bản, vô sản, hữu thần, vô thần, đầu tư kinh doanh; làm sao để có một xã hội công bằng, phi giai cấp, người không bóc lột người; rằng xã hội hôm nay càng văn minh càng thiếu văn hóa; phải lượm nhặt từng chút kim cương đạo lý trong cái sa mạc nóng bỏng trơ lì thực dụng này.  Nạn mơ hồ thấy em là một con người riêng lẻ, khác với giống người mà đi đâu em cũng gặp. Giống người ấy họ cao cả, biết tranh hơn thua, biết chịu thiệt thòi rằng mình có ít hơn con vật những hai cái chân.

Khách cười, khách nói, khách ăn uống vui vẻ, khách gọi tính tiền, rồi chào tạm biệt nhau. Nạn tới chỗ khung cửa sổ trống, cố đưa tay vào cái đùi gà còn lại trên chiếc bàn nham nhở thịt chả dư thừa. Em rất đói, thèm ứa nước mắt. Vậy mà em trượt hoài không với tới, lại té ngã. Em thuộc hệ sinh vật khó giữ thăng bằng trên trái đất.

Trên đường Catinat từ bờ sông nhìn về phía nhà thờ cổ thì rất tuyệt, cây hai hàng chụm đầu nhau, như hôn, tạo thành một vòng cung xanh thẫm trong hoàng hôn. Rồi, đêm thoang thoảng mùi hương. Phố xá trở nên im lìm ngoài một vài loạt pháo nổ xa xăm.



*

Ở ngã ba đường cha con lão Biểu hãy còn ngồi vá xe, chặt đẹp khách phút cuối! Ánh lửa toát ra từ những mảnh cao su vụn, khói un mù mịt. Chiều trên quê hương. Có những đứa con hoang trở về. Có những khách giang hồ mong một mái nhà… “Tôi trở về cúng lạy ông bà tôi đây.”

Công viên tối om. Nhà nước bắt bóng đèn nào dân bụi đời đập vỡ bóng đó. Công viên sáng trưng làm sao mần ăn. Nạn bước đi trong bóng tối bao la ấy. Tiếng rì rào của cây đa càng u tịch. Đó đây những nhóm người tụ tập, với những ánh lửa bập bùng của đủ những thứ vật liệu gây ánh sáng.

Cũng có cuộc vui vẻ đón mùa xuân tới đó chớ. Dưới bóng cây đa công viên, lão Cường cùng mấy bợm già ngồi nhâm nhi, trên chiếu cỏ. Cũng có những câu tâm sự, kể về dĩ vãng, mơ cái tương lai, chán con đĩ mẹ cái hiện tại.

Gia đình mụ Đảnh tụ tập quanh một ngọn đèn bão, trên nền đất bày ra một tấm ni lông một ít bánh trái, nhang đèn, bát đĩa sứt mẻ, một nồi cháo huyết nấu dở trên cái bếp là ba cục gạch ống. Mụ Đảnh cắt một mớ thịt bầy nhầy trên cái tấm thớt là một miếng gạch lát vỉa hè. Thằng cu nhỏ được mụ tặng cho cái quần xà lỏn mới có hoa hòe hoa sói, nhưng thằng cu nhỏ cằn nhằn là quá rộng. “ Rán đi con, năm tới con bận là vừa.” Mụ vừa nói vừa cho cái thìa vào cái thau có màu nước huyết bò loãng. Màu đỏ chưa đủ đỏ nên trông thật kinh tởm, trong bóng đêm có ánh sáng ma chơi.

Mụ Đảnh thương chồng con lắm. Suốt ngày mụ đẫm mồ hôi đó đây kiếm bạc cắc. Lúc sập tối mụ ghé chỗ cơ sở mổ bò heo xin tí huyết thừa đang trôi nổi trên nền xi măng, có thể pha lẫn chút cứt con vật lúc sắp chết bùng phứa ra, lông, hoặc thức bẩn. Mụ mang thứ đó về - cũng là chỗ quen biết mới xin được đấy - mà “phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” thành món xúp cho cả gia đình không mái nhà cùng hưởng. Không có sự hy sinh đáng tội của mụ, cả nhà đã chết đói từ lâu. Tuy nhiên mụ vui vẻ, tin vào tương lai sáng lạng. Mụ hằng tự hứa: “Rồi tao cũng sẽ có nhà cửa ruộng vườn như xưa cho mà xem. Chúng mày cướp không được của tao đâu!”

Nạn ngồi chỗ hạnh phúc gia đình mụ Đảnh một lát rồi lần bước về hướng lão Mùi. Nạn đành phải dừng lại nhìn ngắm một quang cảnh không kém phần quyến rũ. Chỗ bồn hoa không bao giờ có hoa nở, hai tình nhân một nam một nữ đang ôm vật nhau. Lại một hoạt cảnh nữa, ban sáng cô Toan trao cho anh chồng tạm thời, kiều tình nhân theo vụ mùa, một ít tiền để mua sắm tết. Ra đầu đuờng, thấy canh bạc vỉa hè hấp dẫn, anh ngồi, sa vào, cạn túi. Thế là con mẹ Toan điên máu, sau một hồi mắng mỏ, nhào vô tử chiến. “Đồ quân máu què. Tao bán trôn nuôi mày mà mày không biết giữ mà ăn.”

Tuy nhiên, với cái thân xanh mét của cô gái Toan đứng đường, chiến đấu với một gã xì ke không mấy hồng hào, cả hai lại bụng đói, nên chúng cào xé vật nhau, xài những ngôn ngữ kinh điển vỉa hè, mà rất lâu chưa đứa nào hạ dứt khoát đứa nào. Thật ra, trước thực tế này, Nạn không thể biết rõ “Ai thắng ai!”

Bàn thờ của lão Mùi dành cho tiên linh ông bà như thế này: một tờ giấy báo trải trên nền đất, một cục gạch ống dựng đứng làm lọ cắm nhang, không đèn cầy; một cây đèn bão, bốn miếng gạch hoa thay cho bốn cái đĩa; trên đó có bánh trái, một nãi chuối, hai chung rượu, đầy rượu. Thiết bàn thờ xong, chưa tới giao thừa, lão Mùi thấy cần đi lang thang đó đây một chút. Thật ra lão quá buồn cái hoạt cảnh ở một đêm công viên đêm ba mươi. Dưới thứ lửa mặt trời vô ảnh của đêm, lũ người nơi đây bỗng dưng mờ ảo, xa lạ, bị đời đánh lừa; đến không đường về, khó ngoi lên. Sống giữa đời mà rất đỗi ngoài đời.

Nạn rút mấy cây nhang, thắp, cắm vào cái lỗ trống của cục gạch. Rồi ngồi bó gối, nhìn những thân rễ đa chung quanh chập chờn lay động. Em nghe đói cồn cào, lạnh.

Bên kia đường trên những hàng hiên lầu, người ta đã bày bàn hương án để chờ cúng giao thừa. Có một điều rất lạ, đêm nay đầu óc Nạn sáng sủa hơn, em nhớ mẹ. Em có thấy những vệt máu của xác mẹ đỏ thẫm trên mặt đường. Em có thấy người cảnh sát đến vạch cái lằn phấn trắng giới hạn khu tai nạn. Người tài xế chợt thấy cái xác người tan nát trên mặt đường, đã hoảng sợ, bỏ chạy trước đó. Nạn co người, sát vào phía trong bóng tối một chút, như để bớt đói và lạnh, mong ngóng lão Mùi trở về.

Ngay lúc đó có một thanh niên ngoài hai mươi tuổi xuất hiện. Vị thiên thần ấy có một khuôn mặt lưỡi cày, đôi mắt láo liên, đôi tai vểnh, miệng rất nhỏ, cần cổ như một cái ống tre nối thân người với cái đầu sọ dừa… Anh ta nhìn Nạn, quan sát đối tượng, rồi nhanh nhẹn ngồi xuống, hỏi:

“Sao ngồi bó gối một mình vậy em gái nhỏ?”

Nạn yên lặng. Vị thiên thần thoáng nghe trong đêm tối bao la cái mùi của sinh vật Nạn không mấy thơm tho. Cũng chẳng ngạc nhiên mấy cái vóc người dị dạng, anh ta an ủi:

- Chuyện vãn tí chút đi nào. Sầu não mần chi. Hãy qua bên kia lai rai với tụi anh cho đời bớt xui xẻo.

Nạn nhích ra xa một chút, tay vô tình quơ một vài chiếc lá khô... “Tôi còn thấy mơ hồ một người cầm gạt tàn thuốc tổ bự ném một người. Tôi nhớ có lần người ta bảo tôi đã cháy trong bờ tre quê nhà.”

Vị thiên thần hỏi:

- Em gái không bà con thân thích chi à?

- Không.

- Thuộc băng nhóm nào?

- Băng nhóm là gì?

Ở thế gian có rất nhiều đứa ngu, không cần giải thích mần chi. Nhưng vị thiên thần hiểu rằng em gái nhỏ này rất cô đơn, nếu có bề gì cũng chẳng ai can thiệp. Hắn gò sát vào người Nạn. Vuốt tóc. Sờ vai. Vuốt ve chỗ cái quần láng nhẫy. Lại hỏi Nạn:

- Đói lắm hả?

- Đói.

- Ăn cái này đi. Lát nữa cho thêm.

Hắn đưa cho em một ổ bánh mì kẹp thịt, đã ăn dở. Nạn vồ lấy nhai ngấu nghiến. Em nhắm mắt, nghe khát nước, nhưng chỗ cái bàn thờ tân xuân chỉ là chung rượu. Ngọn đèn bão đã tắt và mấy cây nhang còn đỏ. Đêm. Vẫn cứ là Đêm. Hình như ban chiều, nơi đây có một cơn mưa nhỏ, nên mặt đất của Nạn đã rực lên cái mùi vị cộng đồng: hơi ẩm, mùi nước tiểu của bọn bụi đời. Và trùm lên tất cả, là cái bóng tối mịn màng của đêm ba nươi. Nhạc đệm là tiếng rì rào oan khiên của cây đa bất tử.

Chính cái bóng đêm này đã làm Nạn bớt đi vẻ xấu xí, hòa tan trong một giây phút, được đánh lận con đen. “Thật cảm ơn Thượng Đế đã cho quanh tôi tràn ngập bóng tối. Tôi đã hãnh diện xóa tan sự điêu tàn nát nẫm cùng thế giới chung quanh. Tôi hạnh phúc đồng hóa hình hài. Tôi lặng chết chờ đợi bình minh… Bây giờ, vẫn cứ là đêm ba mươi.”

Gã thanh niên có vẻ thích thú ngắm cái đói và nhìn cái ăn của Nạn. Hắn ôm em trong lòng, tán tỉnh. Hắn từ từ lột cái quần của em.

Hắn nói: “Ráng tí chút, anh yêu em mà, thiên thần bé nhỏ của anh.” Lúc cảm thấy vị thiên thần cứu rỗi kéo cái quần ra khỏi mấu bàn chân, Nạn có phản ứng yếu ớt. Nhưng đã muộn…

“Tao tới đây đâu phải để chung chạ, chiêm ngưỡng mày.” Gã thanh niên nhìn Nạn trần lạnh, lại tự nhủ. Và, hắn tức tốc cuốn tròn cái quần mới của Nạn áp trước ngực, nhanh chóng tan vào bóng đêm.

Lúc đó có tiếng chân và tiếng ho húng hắng của lão Mùi từ bên ngoài. Lão nói vọng vào:

- Con nhỏ về rồi đó hả Nạn. Giao thừa rồi, thắp vài nén nhang mà lạy tạ ông bà ông vải cầu may mắn đi con.

Sàigòn, 1989